Làm sao để rèn luyện tính kỷ luật cho bản thân?

“Kỷ luật được bản thân, không gì khác không thể thực hiện”. – “With self-discipline most anything is possible” – Theodore Roosevelt

kỷ luật bản thân

Kỷ luật bản thân có thể nói là một quá trình thách thức nhất trong việc tự lãnh đạo bản thân, vì đây là ‘cuộc chiến’ không với ai khác, mà là với chính bản thân mình, đối tượng mà mình thương yêu nhất!

Phàm khi thương yêu một người nào, ta thường có khuynh hướng dễ dàng bỏ qua lổi lầm của người đó. Điều đó cũng đúng trong trường hợp này, và nó chính là lý do đã có rất nhiều người đã thất bại trong những ‘cuộc chiến’ như thế – Không thắng được chính mình! Chính vì thế, Khổng Tử đã từng dạy: “Dĩ thứ kỷ chi tâm thứ nhân; Dĩ trách nhân chi tâm trách kỷ”, nghĩa là hãy lấy lòng dễ tha thứ cho mình mà tha thứ cho người, và ngược lại, hãy lấy lòng hay trách người mà tự trách mình. Cũng như soạn giả Joseph Joubert đã từng nói: “Hãy hiền dịu bao dung với tất cả mọi người trừ chính mình.” Tất cả những ý tưởng đó, các học giả đếu muốn hướng chúng ta đến một tinh thần, đó chính là KỸ LUẬT BẢN THÂN.

Sau đây là một số kinh nghiệm tôi muốn chia sẻ với các bạn, những người đang có chí khởi nghiệp, và mong rằng các bạn sẽ xem trọng và thực hành nó, để trang bị cho mình một khả năng “không gì là không thể”, một khi đã “Kỷ luật được bản thân”!

1. Làm việc có kế hoạch

Việc đầu tiên và vô cùng quan trọng là làm gì cũng nên lập kế hoạch. Xây dựng thói quen lập kế hoạch sẽ giúp chúng ta luôn ý thức được mục tiêu mình muốn đạt được khi làm một việc gì dó là gì, xác định được những việc liên quan phải làm để đạt mục tiêu đó, và luôn có phương án dự phòng để giải quyết những vấn đề có thể phát sinh trong quá trình thực hiện công việc để đạt mục tiêu. Từ những việc to lớn như khởi nghiệp ngành nghề gì, học gì để phát triển bản thân, cho đến những việc thường nhật như ăn uống như thế nào để giữ gìn sức khoẻ, tập luyện ra sao để nâng cao thể trạng cả về thể chất lẫn tinh thần, v.v…đều cần phải có kế hoạch và được viết ra giấy để đảm bảo thực hiện một cách đầy đủ và trọn vẹn.

2. Tuân thủ theo đúng kế hoạch

Rất nhiều người làm việc có kế hoạch, có lịch công tác rõ ràng, nhưng lại thiếu sự kiểm soát khi thực hiện. Kết quả là kế hoạch chỉ trên giấy và chưa bao giờ được hiện thực hoá. Kỷ luật bản thân là biết ép mình tuân thủ theo những gì đã hoạch định, đó chính là những gì mà mình – khi hoạch định – đã tự hứa với chính mình. Làm việc theo đúng kế hoạch chính là thể hiện tinh thần tự tin & tự trọng. Tin tưởng vào những gì mình đã hoạch định, quyết tâm thực hiện chúng sẽ giúp chúng ta tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho những giây phút mơ hồ, lưỡng lự, không biết bắt đầu từ đâu, không biết nên làm hay không và nhất là không thể hình dung kết quả sẽ như thế nào.

3. Tuân thủ nguyên tắc, quy định

Nói có sách, mách có chứng, phàm làm việc gì chúng ta cũng nên tuân thủ theo những qui luật, nguyên tắc hiện hữu. Ở bất kỳ nơi nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào chúng ta cũng phải nhận biết được những gì nên làm, được làm và những gì không nên làm hay không được làm. Quốc pháp, gia qui, nội qui lao động, qui trình làm việc, qui tắc ứng xử, v.v… là những yêu cầu đòi hỏi chỉ những người có tinh thần kỷ luật bản thân cao mới có thể thực hiện một cách xuyên suốt và nhất quán. Làm đúng qui định luôn là yêu cầu tiên quyết để không phạm phải sai sót.

4. Thói quen tốt trong công việc

Đi làm đúng giờ

Đi làm đúng giờ, tốt nhất đi làm sớm để phòng tránh rủi ro kẹt xe, tắc đường. Đi làm đúng giờ sẽ đảm bảo trả lời kịp thời những cuộc gọi sớm, khẩn cấp của khách hàng; đi làm đúng giờ còn là làm gương cho các đồng nghiệp khác noi theo. Đi họp lại càng phải đúng giờ hơn nữa, vì đó là thể hiện sự tôn trọng đối với đối tác của mình. Tốt nhất nên đến sớm 15 phút để có thời gian chuẩn bị trước cho cuộc họp.

Ngăn nắp

Sắp xếp nơi làm việc ngăn nắp, hồ sơ, giấy tờ để đúng nơi qui định, file và folder lưu trữ theo đúng qui cách thống nhất sẽ giúp chúng ta tiết kiệm thời gian và công sức khi cần dùng đến.

Tập trung vào công việc

Giờ làm việc chỉ tập trung vào công việc, không mất thời gian cho những việc riêng tư (điện thoại, chat, chơi game, facebook, mua hàng trên mạng,…), biết nghỉ giải lao từ 5 đến 10 phút sau mỗi 1 đến 2 giờ làm việc, cho mắt và cơ thể được thư giãn, nghỉ ngơi, phục hồi năng lượng. Thời gian là vàng bạc, không có khả năng quản lý thời gian sẽ là rào cản lớn trên bước đường dẫn đến thành công của chúng ta.

Ứng xử khôn khéo

Xây dựng thói quen luôn niềm nở, thân thiện với đồng nghiệp, đối tác và khách hàng. Biết lắng nghe những gì người khác nói và nói những gì người khác thích nghe. Thể hiện tinh thần trách nhiệm theo câu nói “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Đỉnh cao của kỷ luật bản thân chính là ép mình thực hiện được những điều có khi bản thân mình không thích nhưng lại có lợi cho đại cuộc hay cho một mục tiêu nào đó mình cần hướng đến. Vì thông thường chúng ta thường có thói quen làm những gì mình thích hơn là quan tâm đến việc làm những gì cho người khác thích. Trong công việc hay trong quản trị sản xuất kinh doanh, đây lại là yêu cầu không thể thiếu để LÀM ĐÚNG VIỆC!

Tạo dựng thói quen tốt trong cuộc sống

Đúng giờ

Ăn uống đúng giờ sẽ giúp cho việc tiêu hoá được thuận lợi, cung cấp đầy đủ năng lượng cho cơ thể hoạt động, phòng tránh bệnh đau bao tử thời đại. Uống nước thường xuyên (cách khoảng 2 giờ nên uống một ly nước nhỏ khoảng 200ml) sẽ giúp làm mát cơ thể, thuận lợi cho việc chuyển hoá và bài tiết chất độc ra khỏi cơ thể. Các chuyên gia y tế thường khuyên nên tập thói quen đi tiêu buổi sáng cũng nên đúng giờ, sẽ hình thành thói quen tốt phòng tránh táo bón và các bệnh đường ruột. Ngoài ra mỗi sáng nên uống một ly nước ấm khoảng nửa lít sẽ có lợi cho việc tổng vệ sinh hệ thống tiêu hoá của cơ thể hàng ngày. Sinh hoạt đúng giờ sẽ giúp đồng hồ sinh học cơ thể chúng ta luôn chạy ổn định, ít rối loạn và dĩ nhiên cũng ít sinh bệnh tật. Những người sống có nguyên tắc thường là những người khoẻ mạnh.

Nói không với chất độc

Thuốc lá là loại độc chất không nên thử, nếu đã lỡ nghiện thì phải đủ nghị lực và biết cách cai nghiện triệt để. Tháng rồi tôi vừa chứng minh cho một người bạn thấy rằng việc họ cho rằng khi ngậm điếu thuốc, họ cảm thấy tự tin hơn, có óc sáng tạo hơn, tư duy thông suốt hơn,…tất cả những lập luận đó đều là cách để họ tự bào chữa cho hành vi hút thuốc của mình, thực ra nó là biểu hiện của việc thiếu nghị lực, không đủ khả năng hay không muốn kỷ luật bản thân mình. Sau khi nghe tôi giải thích, bạn đó đã đồng ý và đã lên kế hoạch đợt 1 là giảm hút thuốc từ 10 điếu/ngày xuống còn 5 điếu/ngày và sẽ giảm dần đến bỏ hẵn.

Rượu bia uống ít có lợi cho tiêu hoá nhưng nếu uống nhiều sẽ làm hư tổn nội tạng và nhất là ảnh hưởng đến nhân cách con người, chúng ta phải biết tiết chế. Từ bây giờ, hãy mạnh dạn bỏ đi thói quen xấu “DÔ, DÔ, 100% NHA”, hành vi này rất tai hại, chẳng những hại mình, còn hại người khác khi ép họ cạn từ hết ly này đến ly khác. “2, 3, DÔ” thì được, tạo nên không khí thân mật, vui vẻ, nhưng ai ơi, xin đừng bắt mọi người phải 100%, vì khi uống như thế – uống bia như uống nước, thì có ngon gì đâu, lại tốn tiền còn có nguy cơ mang thêm tật bệnh sau này! Người nước ngoài rất có kinh nghiệm trong việc giao tế để xây dựng mối quan hệ, họ vẫn mời rượu bia cùng nhau, nhưng tuyệt nhiên không bao giờ ép đối phương phải uống cạn ly cả; họ cũng không bao giờ mời thuốc lá đối phương. Chúng ta nên học tập phong cách văn minh này của họ để có thể sánh bước phát triển trên thương trường quốc tế.

Ăn chin, uống chin, thức ăn nuôi trồng tự nhiên, không can thiệp bằng hoá chất độc hại, không quá thời hạn sử dụng cũng là cách để giúp bản thân mình phòng tránh được những bệnh tật hiểm nghèo do độc chất gây ra từ từ theo năm tháng.

Thuận theo tự nhiên, thích ứng thay đổi

Tuy Kỷ luật bản thân đòi hỏi tính cương quyết ở mỗi chúng ta, nhưng như thế không có nghĩa là chúng ta sẽ máy móc thực hiện mà không biết linh hoạt điều chỉnh. Một kế hoạch đã đề ra nhưng khi thực hiện, tình hình có thay đổi, thì việc thay đổi kế hoạch, hay điều chỉnh mục tiêu hay thay đổi cách làm việc, v.v… là hành vi cần phải có để thích ứng sự thay đổi của người biết làm chủ bản thân, làm chủ công việc; chưa đến giờ ngủ nghỉ, nhưng nếu cảm thấy mệt thì việc tạm ngưng công việc để nghỉ ngơi là cần thiết để dưởng sức, phục hồi năng lượng nhằm đàm bảo chất lượng công việc sau đó; Chưa đến giờ ăn, nhưng nếu cảm thấy đói thì việc ăn dặm vài cái bánh cho đỡ đói, không phải là hành vi thiếu kỷ luật, mà chính là sự linh hoạt của người thông minh. Nhưng có một điều cần lưu ý là linh hoạt để ứng biền thông minh, tích cực chớ đừng lợi dụng sự linh hoạt để rồi linh động chìu theo thói quen xấu của bản thân mình!

Trong bài Tự lãnh đạo bản thân, tôi có bàn về tầm quan trọng của tam quan (3 thứ quan trọng), đó là thành đạt – có sức khoẻ – có gia đình hạnh phúc. Kỷ luật bản thân đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được ‘tam quan’ này, nhưng vẫn có thể thực hiện một cách linh hoạt tuỳ từng thời điểm mà hơi thiên về yếu tố này hay yếu tố kia một tí, hay nói đúng hơn là tuỳ từng giai đoạn mà chúng ta chọn trọng số cho ba thứ là 4-3-3 hay 3-4-3 hoặc 3-3-4. Ví dụ, bạn mới khởi nghiệp, có thể trọng số cho sự thành đạt sẽ ưu tiên nhiều hơn hai phần còn lại; sau thời gian hoạt động, công việc ổn định, trọng số có thể sẽ điều chỉnh sang yếu tố khác nhiều hơn hoặc bạn sẽ cân bằng cả ba yếu tố lại với nhau,… Nhìn chung, ba yếu tố trên đều quan trọng, chúng ta chỉ linh hoạt nghiêng về một yếu tố nào đó vài phần trăm trong một giai đoạn nhất định, chớ không nên nghiêng hẵn về một yếu tố và lơ là hai yếu tố còn lại.

Tóm lại, kỹ luật bản thân chính là điều kiện cơ bản giúp chúng ta đạt được những điều quan trọng và cần thiết trong công việc và cuộc sống, đồng thời cũng giúp chúng ta chống lại những suy nghĩ tiêu cực, lệch lạc, những thói quen xấu luôn là rào cản cho sự phát triển của cá nhân và cộng đồng.

Anthony Mỹ
Chuyên gia đào tạo & tư vấn doanh nghiệp

 

xahara
Để lại ý kiến của bạn về bài viết nhé

Leave a reply

Xahara.vn
Logo