Lý do nên đi du lịch Lào
Không đi không biết nước Lào
Đi rồi mới thấy (chỉ) đi vào đi ra
Không về không thấy nước ta
Về rồi mới thấy (chỉ) đi ra đi vào…
Nói đùa thế thôi chứ các bạn biết rồi đấy, đi đâu chẳng có cái hay, dù nhiều người có thể bảo, nước Lào không có biển, chẳng nhiều cảnh đẹp bằng Việt Nam, bề dày văn hóa thì chẳng có gì ghê gớm… Vậy thì càng phải đi để xem không có biển, ở đấy có nóng như Việt Nam, cây cối có xanh tươi trù phú bằng không?
Thông tin cơ bản về du lịch Lào
Lào nằm ở trung tâm của bán đảo Đông Dương (với những bạn chưa từng đặt chân ra nước ngoài, có thể bắt đầu bằng chinh phục hai nước Đông Dương còn lại – Lào và Campuchia); phía tây bắc giáp với Myanmar và Trung Quốc, phía đông giáp Việt Nam, phía tây nam giáp Campuchia, phía tây và tây nam giáp Thái Lan. Một chút hình dung về địa lý để các bạn có thể tự lập cung đường đi, chẳng hạn đi từ Việt Nam sang Lào rồi đi sang Thái Lan hoặc Campuchia, hoặc Myanmar…
Nước Lào hiện tại có nguồn gốc lịch sử và văn hoá từ Vương quốc Lan Xang (Vương quốc Triệu Voi), vốn là một vương quốc có diện tích lớn tại Đông Nam Á. Sau đó, Lan Xang bị phân chia thành ba vương quốc riêng biệt: Luang Phrabang, Vientiane và Champasak. Năm 1893, ba vương quốc hợp thành một lãnh thổ bảo hộ thuộc Pháp, tiền thân của quốc gia Lào hiện nay. Người Pháp đã áp đặt lại quyền cai trị cho đến khi Lào được tự trị vào năm 1949.
Nếu muốn tìm lại dấu vết của mình tại Đông Dương, ngoại trừ kiến trúc, có lẽ người Pháp chỉ còn tìm thấy được ở Lào, những trường học, những tổ chức công (bệnh viện, một số trụ sở chính quyền), còn đậm “màu sắc” Pháp. Ở Vientiane, các đường phố ghi tiếng Lào và tiếng Pháp. Có lẽ vì vậy mà nhiều du khách Pháp tới đây.
Lào có khí hậu nhiệt đới, chịu ảnh hưởng của gió mùa. Một năm có hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô; mùa mưa kéo dài từ tháng Năm đến tháng Mười một, mùa khô kéo dài từ tháng Mười hai đến tháng Tư. Còn theo dân địa phương, một năm có ba mùa là mùa mưa, mùa lạnh và mùa nóng, do hai tháng cuối của mùa khô nóng hơn đáng kể so với bốn tháng trước đó.
Trên thực tế, tuy nằm trong đới khí hậu nhiệt đới, chịu ảnh hưởng gió mùa, nhưng địa hình của Lào chủ yếu là các dãy núi gồ ghề, vùng cao nguyên và vài đồng bằng, vì vậy mà ở Lào không có độ ẩm cao như ở Việt Nam, giữa mùa khô, trời nóng nhưng khô ráo. Thêm nữa, với dòng sông Mekong trải dài và bồi đắp, cây cối ở đây trù phú, làm không khí dễ chịu chứ không oi nóng như ta vẫn tưởng về những cơn gió Lào khắc nghiệt…
Lịch trình du lịch Lào bằng đường bộ
Các bạn có thể tham khảo vài lịch trình, ở đây, mình chỉ đưa các lịch trình đường bộ, hơi tốn thời gian nằm trên xe nhưng tiết kiệm chi phí, một chuyến đi 5-7 ngày tốn khoảng 5 triệu cho tất tật chi phí. Cũng nói thêm là ăn uống ở Lào không rẻ, đi lại cũng đắt, và chăn tiền du khách rất kinh
Lịch trình tham khảo cho các bạn:
Ngày 0
Khởi hành từ bến xe Nước Ngầm lúc 6h chiều (hoặc đi của hãng Viettrans thì có thể đón khách ở 198 Trần Quang Khải mà không qua bến xe Nước Ngầm nữa).
Đến 9h tối dừng ở Thanh Hóa ăn uống, vệ sinh. Sau đó xe chạy một mạch tới cửa khẩu Cầu Treo, Hà Tĩnh.

Cửa khẩu Cầu Treo, Hà Tĩnh. Khá bụi, đông. Sáng ra sương mù giăng trên các đỉnh núi, trời lành lạnh, các bạn nhớ mặc áo dài tay.
Ngày 1
Đến cửa khẩu Cầu Treo lúc 4h30 sáng, nằm trên xe đến 6h thì vào vệ sinh ở khu cửa khẩu đánh răng, rửa mặt các thứ các thứ. Các bạn nên mang theo đồ ăn để tự túc bữa sáng. Hoặc nếu không thì cũng có một bà bán xôi ở đây
Nhà xe thu 100k để làm thủ tục, nhưng chẳng nhanh hơn được bao nhiêu, các bạn tốt nhất là tự làm, phí hết khoảng 50k thôi, mà còn nhanh hơn.
Khoảng 2h chiều thì dừng ăn cơm trên đất Lào, đến 6-7h tối mới đến Vientiane. Về khách sạn nhận phòng, tắm táp rồi ăn tối, nhân thể dạo lòng vòng dọc bờ sông Mekong.
Các bạn lưu ý, xe ô tô dừng ở bến xe trung tâm, từ đây đi về khu ở tốn khoảng 20k kip mỗi người, các bạn tùy đó mà mặc cả.
Ngày 2
Tham quan thủ đô Vientiane bằng xe máy, xe đạp hoặc xe tuk tuk, các bạn cứ mặc cả nhiệt tình nếu đi tuk tuk nhé. Thuê xe đạp thì ở khách sạn có, 15k kip một xe 24h, xe máy thì 120k kip một ngày (nhưng có rất nhiều Traffic Police đi vòng vòng, sẵn sàng ốp bạn lại hỏi han nhé, bạn nào muốn đi nhớ đổi bằng lái xe quốc tế và đội mũ bảo hiểm cẩn thận).
Sáng các bạn có thể đi trong thành phố như Khải Hoàn Môn, chùa Sisaket, chùa vàng That Luang; chiều thì đi thăm vườn tượng Phật (Buddha Park, cách thủ đô khoảng 20 km).
Các bạn có thể check-out từ sáng (ở đây quy định 11h sáng là phải check-out), sau đó gửi đồ ở khách sạn và đi chơi cho thoải mái.

Khải hoàn môn Patuxay giữa lòng Vientiane

Khải hoàn môn Patuxay nhìn từ phía sau

Chùa vàng That Luang

Đỉnh chùa vàng That Luang

Quần thể xung quanh chủa That Luang

Vườn tượng Phật

Ở đây các tích trong kinh Phật được dựng thành các hoạt cảnh, với tượng Phật qua các thời kỳ, các bạn sẽ thấy thú vị vì hình dáng của Phật mang dấu ấn chủng tộc rất rõ, khác biệt so với tượng Phật ở Việt Nam.

Tượng Phật nằm trong quần thể vườn tượng Phật ở Lào
Đến chiều về trả xe, ăn tối và đi ra bến xe bắt xe đi Vangvieng, bạn nào không thích đi Vangvieng thì có thể đi Luang Prabang luôn. Các bạn nên trực tiếp ra bến xe mua vé, vì ở khách sạn giá sẽ bị chênh khoảng 20-30k kip/1 vé.
Xe đi Vangvieng mất khoảng 4h, các bạn chú ý căn thời gian cho hợp lý.
Ngày 3
Chơi tại Vangvieng. Nơi này trước đây chính là trung tâm của phê pha hút chích, sau đó, có mấy vụ lùm xùm nên chính phủ ra tay dẹp bỏ; giờ xây dựng một trung tâm kiểu như công viên nước của mình, còn thì quang cảnh khá trơ trụi.
Tối khởi hành đi Luang Prabang. Các bạn lưu ý, đường đi Luang Prabang đèo dốc quanh co, uốn lượn không ngừng, đi từ Vangvieng khoảng 8h tối, đến 8h sáng hôm sau thì tới Luang Prabang.
Ngày 4
8h sáng đến Luang Prabang: nhận phòng, nghỉ ngơi, đi chơi. Có hai điểm xa nhất ở Luang Prabang là hang Pak Ou và thác Kuangsi, tuy nhiên, lại đi về hai hướng khác nhau, cho một chuyến tuk tuk 8 người của mình đi cả hai điểm này (mất cả ngày) là 350k kip.
Ngày 5
Dạo chơi quanh Luang Prabang (chợ sáng, chợ đêm, Phousi, bảo tàng quốc gia…), đi vườn thực vật ở bên kia sông Mekong, hoặc ra cầu tre bắc ngang sông Nam Khan ngắm hoàng hôn.Luang Prabang vốn là một dải đất phù sa được bồi đắp bởi hai con sông: Mekong và Nam Khan.
Thực ra là rất nhỏ, các bạn có thể chạy dọc sông Mekong, vòng qua chợ đêm rồi chạy tới sông Nam Khan. Chính bởi địa thế này mà thời tiết ở Luang Prabang rất dễ chịu, vào tháng nóng nhất thì vẫn không làm cho người ta nhễ nhại mồ hôi, có chút gì đó hơi giống châu Âu.

Một ngôi chùa ở Luang Prabang (ở Luang Prabang có vô số ngôi chùa, các bạn chỉ cần bước chân khỏi khách sạn là sẽ gặp…)

Những mái nhà ở Luang Prabang

Thổ cẩm ở chợ đêm (người ta bảo chủ yếu thổ cẩm bán ở đây nhập từ Trung Quốc và Việt Nam).

Qua sông Nam Khan vào hang Pak Ou.

Từ hang Pak Ou nhìn ra sông. Hang động không bằng một phần của Phong Nha Kẻ Bàng, thua xa động Thiên Đường của Việt Nam. Nhưng nơi này gắn với tín ngưỡng của người bản địa. Họ đến đây để cầu cùng, rút thẻ…

Thác Kuangsi. Khá đẹp, Nhiều tầng thác. Tuy nhiên, ở phía trên người ta treo biển cấm tắm.

Ngôi chùa ở khu chợ đêm, nhìn từ Phousi sang.

Cầu tre bắc qua sông Nam Khan. Trả 5k kip để đi qua cầu, sang bên kia ngắm làng chài bán đủ đồ tre nứa. Hẳn họ từng rất nghèo…
Nếu không còn thời gian, các bạn có thể trả phòng rồi gửi đồ, đi chơi rồi đến 6h chiều thì ra bến xe đi về Hà Nội (lúc về sẽ đi qua cửa khẩu Nậm Cắn, Nghệ An; đoạn đường từ Luang Prabang đến Nậm Cắn cũng đèo đốc khủng khiếp, nhưng cách Nậm Cắn khoảng 50km, là vùng núi non tuyệt đẹp, những ngôi nhà gỗ của người dân như trong tranh vẽ).
Hoặc nếu không các bạn có thể mua vé đi Chiangmai, xe cũng khởi hành lúc 6h chiều từ Luang Prabang, sau đó, từ Chiangmai các bạn có thể đặt vé máy bay về Hà Nội/thành phố Hồ Chí Minh.