Có nên hợp tác kinh doanh với người khác hay tự mình phát triển? Có nên làm ăn chung với bạn bè? Những nguyên tắc, kinh nghiệm trong hùn hạp làm ăn là gì?
Bài viết này sẽ giúp bạn giải quyết từng bước các băn khoăn thắc mắc đó.

Hợp tác kinh doanh, hùn hạp làm ăn với người khác là bài toán đâu đầu cho nhiều người muốn khởi nghiệp
Có nên hùn hạp làm ăn với người khác?
Có một nguyên tắc rất nổi tiếng rằng: “Muốn đi nhanh thì đi 1 mình. Muốn đi xa thì đi cùng nhiều người.” Đó là một nguyên tắc rất hay và chính xác về quy luật của sự phát triển. Con người chúng ta không sống trên hoang đảo. Để phát triển một cách bền vững và quy mô, chúng ta cần sự hợp tác, tham gia của người khác. Mô hình công ty cổ phẩn ngày càng thay thế cho công ty gia đình, hay sự ra đời của thị trường chứng khoán, quỹ đầu tư startup đều là sự phản ánh cho nhu cầu tận dụng các nguồn lực tài chính, nhân lực, công nghệ từ bên ngoài. Trong TOP 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới, đố ai có thể tìm thấy một doanh nghiệp chỉ có một cá nhân/ gia đình là chủ sở hữu vốn duy nhất.
Nhưng trên thực tế, tôi đã chứng kiến nhiều bạn bè, hay người quen biết của mình cố gắng cố gắng một cách bền bỉ để tự lực xây dựng công ty. Họ đều rất giỏi và tự tin nhưng lại từ chối sự tham gia của người khác vào quá trình kinh doanh của mình. Hoạt động kinh doanh của họ phát triển rất nhanh và cũng chững lại rất nhanh mãi không lớn hẳn lên được. Và ngay cả như vậy, họ vẫn từ chối áp dụng nguyên tắc trên và chấp nhận thực tại của mình. Cái mà họ sợ, chắc hẳn ở đây cũng rất nhiều người sợ. Chúng ta sợ lúc khó khăn thì dễ ngồi với nhau, nhưng lúc “có ăn” là tìm cách “chơi” nhau, “đá đít” nhau. Nhiều trường hợp tan rã mất tình cảm, hay bị thâu tóm do vấn đề hùn hạp làm ăn mà ra. Họ không tham vọng xây dựng doanh nghiệp triệu đô, tỉ đô, cuộc sống hiện tại với họ, vậy là đủ. Có tiền ở mức nhất định và tránh khỏi các rắc rối tài chính, quan hệ.
Sẽ không có câu trả lời cho tất cả mọi người là có nên hùn hạp kinh doanh với người khác hay không. Đa phần các công ty hiện nay được lập ra không phải từ một cá nhân duy nhất nhưng cũng có đến trên 50% các sáng lập viên không thể hợp tác với nhau và công ty chia tách, sụp đổ sau đó.
Tùy thuộc vào tham vọng, năng lực và tính cách, không phải ai cũng hợp khi làm việc với những người khác, hay được người khác chấp nhận làm ăn cùng. Không phải ai cũng có thể tự mình có thể gây dựng được công ty, dù ở quy mô nhỏ. Đã “hùn” là phải “hạp” (hợp) và đã đi một mình thì phải đủ nhanh. Nhưng lời khuyên của tôi là nếu trong trường hợp có thể và có đủ tham vọng, bạn nên tìm nhiều hơn một đối tác cho kế hoạch làm ăn của mình. Bởi nếu biết hợp tác đúng nguyên tắc, bạn sẽ có xuất phát điểm cao hơn (với sự kết hợp vốn, nhân lực, công nghệ) và mức độ chia sẻ rủi ro thấp hơn so với đi một mình rất nhiều.
Phần tiếp theo của bài viết này, không dành cho người vẫn đang băn khoăn là có nên hợp tác làm ăn chung với người khác hay không mà là làm thể nào để các bạn hùn và hạp trong quá trình làm việc.
Những lưu ý và nguyên tắc trong hợp tác kinh doanh, hùn hạp làm ăn
Chuẩn bị tâm thế trước khi bắt đầu
Khởi đầu bao giờ cũng vui vẻ và phấn khích – đó là tất yếu khi chúng ta cùng nhau bắt đầu làm gì đó với nhau: một dự án, một dịch vụ, một công ty mới ….háo hức và đầy kỳ vọng. Đây mới chỉ là HÙN. Mà khi hùn thì đông đúc, sum tụ tiếng cười…
Khi bắt đầu, khi hoạch định kế hoạch, cũng là lúc chúng ta có kỳ vọng cao nhất. Kỳ vọng vào người cùng mình thực hiện, kì vọng vào kết quả khả quan trong tương lai, kì vọng vào tất cả… Chính sự kỳ vọng quá cao cũng sẽ làm cho chúng ta nhiều thất vọng về nhau, kết quả kinh doanh không như ý lại khiến cho thất vọng càng lớn
Như vậy trước khi bắt đầu, các bạn hãy thực tế, đừng quá viển vông, tô vẽ tương lai để kỳ vọng quá nhiều. Và khi khó khăn phát sinh, bạn cũng không nên sớm kết luận là bạn và đối tác làm ăn của bạn là “không hạp”. Nhưng sau tất cả, thấy quả thực là các bên không hạp thật thì bạn cũng phải sẵn sàng cho việc chấm dứt hợp tác một cách quyết đoán. Đừng vì những suy nghĩ như sợ mất bạn bè, hay nể bạn mà ảnh hưởng đến quyết định của mình.
Kinh doanh nên hạn chế sự tham gia của cảm xúc một cách tối đa nhất có thể. Mọi việc cần được tư duy, xử lý một cách lý tính và bình tĩnh.
Mâu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn là động lực phát triển. Nghe có vẻ triết học, nhưng điều này luôn đúng. Các thành viên cùng tham gia vào một dự án, nghĩa là bạn có nhiều hơn một suy nghĩ, hướng giải quyết cho một vấn đề, hơn một người có thể thay bạn để hiện thực các ý tưởng, có người chỉ trích, ngăn bạn lại khi mắc sai lầm nhưng đồng nghĩa cũng sẽ có sự hiện diện của nhiều cái tôi hơn. Do vậy, những mâu thuẫn trong quá trình hợp tác làm ăn là không thể tránh khỏi. Vấn đề không phải bạn cần né tránh mâu thuẫn mà tìm cách giải quyết các mâu thuẫn đó như thế nào. Các bạn ngồi với nhau để giải quyết mâu thuẫn để cùng đưa công ty phát triển hơn hay kết thúc hợp tác để đi theo đường hướng phát triển khác của riêng bạn.
Chứ đừng để vì những mâu thuẫn nhỏ biến thành “công cuộc” đối phó, soi nhau từng khiếm khuyết sai lầm nhỏ để minh chứng rằng: Tôi mới là người làm được việc, anh là người chỉ có phá, chỉ có gây chuyện…
Tham khảo kiến thức liên quan đến hùn hạp làm ăn từ người đi trước và trong các văn bản pháp luật
Để hạn chế những vấn đề không đáng có khi góp vốn làm ăn chung với người khác, bạn phải hiểu rõ cách thức nó vận hành ra sao. Bạn phải hiểu cơ chế nào để đảm bảo sự hợp tác tối ưu? Nguyên tắc nào để hạn chế những mâu thuẫn ngoài chuyên môn, tranh chấp có tác động tiêu cực đến mục tiêu chung khi bắt đầu? Khi chưa bao giờ hợp tác làm ăn, hoặc chỉ với một vài lần, rất có thể bạn sẽ không thể nắm bắt và lường trước được hết những vấn đề như vậy. Cách tốt nhất là hãy tham khảo từ những người đi trước, họ sẽ chỉ dạy cho bạn để tránh va vấp hơn.
Ngoài ra, bạn cũng cần tìm hiểu các văn bản pháp lý liên quan như cách thức thành lập doanh nghiệp, hình thức và phân chia vốn, cổ tức hay cơ sở giải quyết mâu thuẫn. Trong trường hợp quá bận rộn, bạn có thể tham vấn ý kiến của các luật sư chuyên môn.
Những kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn thu lượm được, sẽ giúp bạn và các đối tác làm ăn hoạch định được các văn bản hợp tác, chiến lược đường dài hay cách thức giải quyết xung đột tốt hơn. Hãy tìm ra “luật chơi” để mọi người cùng chơi chứ không thể mỗi người ” muốn chơi” theo sở thích của mình.
Nguyên tắc khi tham gia hợp tác làm ăn chung vốn
1) Có cổ phần phần chi phối hoặc tương đương ít nhất 30% trở lên cho 3 cổ đông thì hãy làm. Tránh tình huống bè phái cục bộ và cài cắm người dùng quyền vote loại bỏ nhau.
2) Cam kết phân chia Doanh thu hay Lợi nhuận và mô tả công việc trong khoảng thời gian còn là cổ đông. Tránh trường hợp cổ đông không tham gia điều hành Doanh nghiệp bị thao túng điều hành. Nhiều công ty doanh thu cao những vẫn lỗ.
3) Điều lệ công ty rõ ràng áp dụng Corporate Governance/ Quản trị công ty ngay từ ngày đầu. Phân chia rõ ràng quyền lợi và nghĩa vụ về HĐQT và Ban Điều hành.
4) Có phương án thoái vốn cho cổ đông góp vốn dựa trên điều lệ công ty hoặc định giá Doanh nghiệp.