Tài liệu hướng dẫn bán hàng trên Lazada từ cơ bản đến nâng cao

Bộ tài liệu này sẽ giúp các bạn có thể bắt đầu đăng ký hoặc cải thiện hiệu quả bán hàng trên Lazada của mình ngay lập tức.

hướng dẫn bán hàng cùng Lazada

Đợt vừa rồi mình tình trạng bán hàng qua Facebook của nhiều người bị đình trệ, vì chi phí quảng cáo tăng cao. Mọi người có xu hướng tìm kiếm các kênh bán hàng khác, và kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) được nhiều người lựa chọn. Có lẽ bởi vậy mà số lượng câu hỏi trong inbox của mình về việc bán hàng trên các sàn TMĐT cũng tăng đột biến.

Trả lời từng người cũng không xuể, nên mình viết quyết định viết một series hướng dẫn về cách thức bán hàng trên các trang mà mình đang tham gia chinh chiến và chia sẻ lại cùng mọi người.

Đây sẽ là bài đầu tiên trong series đó. Chủ đề bài này là về việc làm sao để bạn có thể đăng ký, bán hàng trên Lazada sao cho hiệu quả. Trong các bài tiếp theo sẽ là cách thức bán hàng trên Sendo, Shopee và Tiki.

Lazada mình làm lâu nhất, kết quả kinh doanh hiệu quả nhất nên mình chọn để mở màn, bởi dù sao cũng tự tin về kiến thức hơn các sàn còn lại. Các tài liệu mình dẫn trong này đều là các tài liệu tải trực tiếp từ Lazada để các bạn có thể tham khảo một cách chuẩn mực.

Vì sao nên bán hàng trên Lazada?

Câu hỏi dạng có nên bán hàng trên Lazada không mình nhận được gần như cơm bữa. Câu trả lời của mình rất đơn giản: Bất cứ ai cũng nên và có thể chọn Lazada là nơi bán hàng cho mình. Vì sao lại vậy?

– Vì Lazada là sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam

Mỗi tháng có tới hơn 30 triệu lượt truy cập vào trang web của Lazada tại Việt Nam, vượt trội so với Shopee, Sendo, Tiki, hay Adayroi.

Có nên bán hàng trên lazada

Lazada là trang web thương mại điện tử số 1 Việt Nam hiện nay

Không có bất kỳ rào cản nào cho sự tham gia của bạn. Từ năm 2018, tất cả các cá nhân đều có thể tham gia bán tất cả các mặt hàng trên Lazada giống như các doanh nghiệp. (Trước đó, chỉ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh mới có thể bán tất cả các danh mục sản phẩm, các nhà bán hàng cá nhân chỉ có thể bán hàng thời trang). Trên thị trường truyền thống việc chưa có thương hiệu phân phối là bất lợi lớn, nhưng trên sàn TMĐT, mọi nhà bán hàng lại khá cân bằng, bạn làm tốt bạn hoàn toàn có cơ hội trở thành shop uy tín, trở thành top seller.

– Vì rủi ro thấp, phí bán hàng trên Lazada thấp

Xét về khả năng bán hàng, Lazada hay bất cứ sàn TMĐT nào tại Việt Nam cũng chưa thể sánh được với Facebook. Dù Facebook có những nhà bán hàng nghìn đơn, Lazada cũng có người bán với lượng đơn tương tự, nhưng trung bình chung thì lượng hàng của các nhà bán hàng trên Facebook vẫn cao hơn. Tuy nhiên, rủi ro của bán hàng trên Facebook cao hơn, bạn bán hàng qua livestream thì chốt đơn vất vả, tỉ lệ đơn hủy, hoàn tương đối cao, còn bán qua quảng cáo thì nếu một ngày quảng cáo không hiệu quả, bạn đi tong một khoản tiền mà chẳng được cái gì.

Trên Lazada, dù có nhiều lần điều chỉnh các mức phí, hoa hồng áp dụng thì tất cả chỉ được tính khi bạn hoàn tất đơn hàng, đơn hàng thành công. Bạn không mất tiền mở thuê gian hàng, bạn đăng sản phẩm lên không có người mua cũng chẳng sao, không ai lấy của bạn một đồng nào cả. Khi mà áp lực rủi ro, chi phí thấp thì bạn sẽ có nhiều thời gian hơn để nghiên cứu, tối ưu hóa sản phẩm, cách thức bán hàng.

Mức phí, loại phí của Lazada như đã nói là được thay đổi “xoành xoạch” gây khó tương đối cho công việc kế toán của các nhà bán hàng. Nhưng về tỉ lệ phí thì tương đối thấp. Ngày trước hoa hồng mức cao nhất là 20% sau đó điều chỉnh xuống 15%, rồi 9% và bị loại bỏ từ 1.4.2018. Thay thế cho đó là phí COD, và các gói quảng cáo, nhưng tỉ lệ cũng là không đáng kể, có thể đảm bảo tỉ suất lợi nhuận cho các nhà bán hàng.

– Vì dễ sử dụng

Gần như tất cả các sàn hay phương tiện bán hàng hiện nay đều thiết kế ở mức đơn giản nhất có thể để tất cả mọi người dù ở trình độ thấp nhất cũng có thể sử dụng. Và Lazada cũng vậy, không có rào cản công nghệ nào cho sự tham gia bán hàng của bạn trên sàn này cả. Không chỉ vậy, mình đánh giá, Lazada là sàn cho phép người dùng có thể đăng tải sản phẩm đồng loạt một cách nhanh nhất. (Shopee cũng tương đối nhanh, còn Sendo thì không có chức năng đăng sản phẩm đồng loạt nên khá mất thời gian nếu bạn có nhiều sản phẩm).
Lazada có trang quản trị bán hàng trên cả nền tảng web và app di động nên khá tiện lợi cho việc theo dõi, xử lý đơn hàng.

Điều kiện bán hàng trên Lazada

Theo công bố của Lazada, để tham gia bán hàng trên Lazada bạn phải thỏa mãn điều kiện sau:

“Nhà Bán Hàng là cá nhân từ 18 tuổi trở lên, hoặc pháp nhân hợp pháp, có đủ năng lực hành vi và năng lực pháp luật để giao kết thỏa thuận dịch vụ thương mại điện tử với Lazada”

Nhà Bán Hàng có thể bán các Sản Phẩm mà pháp luật và chính sách của Lazada cho phép nhập khẩu, phân phối và lưu hành tại thị trường Việt Nam. Vì Sản Phẩm được phân phối bởi chính Nhà Bán Hàng, nên Nhà Bán Hàng là người chịu hoàn toàn trách nhiệm về đổi trả sản phẩm do lỗi, hư hỏng hoặc nghĩa vụ về bảo hành, v.v…

Văn bản đầy đủ: Điều khoản và điều kiện bán hàng trên Lazada

Quy trình bán hàng trên Lazada

Quy trình để bán hàng trên Lazada tương đối đơn giản. Chúng bao gồm các bước sau:

Bước 1. Đăng ký bán hàng

Tất cả các tổ chức, cá nhân thỏa mãn các điều kiện nêu ở phần trên đều có thể đăng ký và bán hàng trên Lazada. Đăng ký bán hàng trên Lazada là hoàn toàn không mất phí. Các phí chỉ phát sinh khi có đơn hàng.

Bước 2. Hoàn thiện thông tin gian hàng

Tùy vào hình thức bạn lựa chọn khi đăng ký là tổ chức hay cá nhân mà bạn phải hoàn thành các form thông tin khác nhau. Thông tin này bao gồm: Họ tên chủ gian hàng, tên gian hàng, link shop, địa chỉ kho, tài khoản ngân hàng, văn bản chứng từ liên quan…

Trong đợt update mới nhất, những người mới đăng ký sẽ phải xác nhận tài khoản ngân hàng bằng cách chuyển một khoản tiền (50K) về tài khoản của Lazada (có trong email gửi tới nhà bán hàng sau đăng ký). Khoản tiền này sẽ được hoàn lại trong đợt thanh toán đầu tiên.

Bước 3. Tham gia khóa học và hoàn thành bài test cho người mới bắt đầu

Ở phần này, Lazada sẽ cung cấp những thông tin cơ bản nhất cho một nhà bán hàng mới khi bắt đầu sử dụng Lazada. Sau đó bạn sẽ phải hoàn thành một bài test trước khi bắt đầu đăng tải sản phẩm và bán hàng.

Bước 4. Đăng tải sản phẩm

Có 2 hình thức để bạn lựa chọn khi đăng tải sản phẩm trên Lazada. Một là đăng tải từng sản phẩm. Hai là đăng tải đồng loạt sản phẩm.

Việc đăng tải từng sản phẩm phù hợp với người mới tuy hơi mất thời gian. Với hình thức này bạn có thể tối ưu được sản phẩm ngay khi đăng.

Link hướng dẫn: Tạo từng sản phẩm trên Seller Center Lazada-min

Sau khi làm quen với việc bán hàng trên Lazada, bạn có thể sử dụng tính năng đăng sản phẩm đồng loạt. Việc đăng tải sản phẩm đồng loạt giúp bạn có thể up nhiều sản phẩm lên sàn cùng một lúc, tiết kiệm nhiều thời gian và công sức so với đăng từng sản phẩm. Tuy nhiên, cũng vì đăng nhiều sản phẩm nên việc tối ưu sẽ không thể tốt bằng việc bạn đăng tải từng sản phẩm một.

Link hướng dẫn: Tạo hàng loạt sản phẩm trên Lazada

Bước 5: Tối ưu gian hàng

Tối ưu giá, hàng tồn

Để có thể bán được hàng, các bạn cần tiến hành tối ưu thêm về sản phẩm và gian hàng của mình. Về sản phẩm, các bạn cần xem xét về chính sách giá cạnh tranh và lượng hàng tồn của sản phẩm.

Đăng ký chương trình khuyến mãi

Khi tham gia kinh doanh trên Lazada, các bạn nên tham gia các chương trình khuyến mãi của Lazada để tăng lượng truy cập và lượng đơn hàng cho shop. Các chương trình này sẽ hiển thị trên trang chủ của Seller Center mỗi khi bạn truy cập. Tùy vào mỗi chương trình mà bạn sẽ điều chỉnh giá và hàng tồn khác nhau tương ứng. Ngoài các chương trình khuyến mãi do Lazada khởi tạo, thì bạn cũng có thể tự tạo các chương trình khuyến mãi của riêng mình. Như giảm giá, ưu đãi khi mua combo, trợ giá vận chuyển…

Trang trí gian hàng

Việc tiếp theo mà các bạn cần làm để tối ưu việc bán hàng đó là trang trí gian hàng. Đây là công việc mà bạn sẽ sử dụng các công cụ của Lazada để trang trí giao diện cho shop của mình. Việc này tiến hành không quá khó khăn, nhưng mức độ đẹp, chất đến đâu thì còn tùy thuộc vào khả năng và óc thẩm mỹ của bạn.

Hướng dẫn thiết kế gian hàng trên Lazada

Sử dụng Lorikeet

Bên cạnh đó, gần đây Lazada cho ra mắt tính năng Lorikeet để thay thế cho phần mô tả sản phẩm bằng text thông thường.

Sử dụng các công cụ phân tích bán hàng

Lazada cung cấp cho nhà bán hàng các công cụ để có thể phân tích tình hình bán hàng của shop trên cả nền tảng app và web. Các bạn có thể tận dụng các công cụ này để biết được, tình trạng hiển thị, tỉ lệ chuyển đổi, mức độ cạnh tranh của các sản phẩm là như thế nào.

Bước 6. Tiếp nhận xử lý đơn hàng

Tiếp nhận đơn

Khi shop của bạn phát sinh đơn hàng mới, các bạn sẽ nhận được thông báo qua mail và qua app. Các bạn cũng có thể kiểm tra trực tiếp trong Seller Center.

Đơn giản nhất, khi có thông báo có đơn hàng. Các bạn vào Seller Center, các đơn hàng mới sẽ hiển thị ở phần các đơn chưa xử lý. Bạn bấm vào đó sẽ có danh sách tất cả các đơn mà bạn cần xác nhận và xử lý. Thông tin về sản phẩm, thời gian đặt hàng đều có cả.

Ở đây các bạn chú ý đến cột có ghi là Ship SLA, đây là thời gian tối ưu để đơn hàng của bạn được chuyển cho đơn vị vận chuyển của Lazada. Trong trường hợp chưa có hàng ngay, hoặc vì lý do nào đấy mà bạn chưa thể đóng gói gửi đi ngay được thì bạn lưu ý là Lazada cho bạn tối đa là 48h đồng hồ. Qúa thời gian này đơn hàng của bạn sẽ tự động bị hủy (trừ một số thời điểm Lazada update lỗi hệ thống thì có thể lâu hơn, nhưng cũng không để lâu quá vì như vậy khách cũng dễ từ chối nhận hàng hơn).

Khi bạn biết, thông tin đơn hàng rồi, thời gian xử lý rồi, bạn phải tiến hành đóng gói hàng.

Đóng gói hàng

Nếu bạn không đăng ký hình thức FBL với Lazada thì bạn sẽ phải xử lý và tự đóng gói hàng của mình. Ở bước này, các bạn lưu ý đóng gói làm sao cho thỏa mãn các quy chuẩn của Lazada để đảm bảo hàng hóa được tiếp nhận tại điểm gửi hàng và đến tay khách hàng trong tình trạng tốt nhất.

Quy chuẩn đóng gói hàng

Khi in tem và hóa đơn, tùy vào loại hàng hóa, kích thước hộp mà các bạn lựa chọn khổ giấy phù hợp. Thông thường, mọi người sẽ chọn in ở khổ giấy A5. Khi in các bạn chú ý là tem vận chuyển luôn phải có đủ 3 mã vạch, đặc biệt là mã vạch thứ 2 để check tại điểm nhận hàng. Trong một số trường hợp in nhiều phần tiền thu hộ ghi ngoài tem vận chuyển bị mất, bạn có thể in lại hoặc kệ nó cũng không sao, khi giao hàng shipper họ có cái để check và biết số số tiền thu rồi.

Giao hàng

Bạn cũng cần quan tâm đến hình thức giao hàng của shop mình là gì. Có hai hình thức là Nhà bán hàng giao đến điểm nhận hàng của Lazada, và Đơn vị vận chuyển tự đến lấy hàng.

Nếu không có sai sót gì thì thông tin về hình thức giao hàng của shop sẽ được gửi kèm trong email xác nhận đăng ký thành công gian hàng của bạn.

Trong trường hợp bạn là hình thức gửi hàng tại điểm nhận của Lazada mà không phải Vnpost hoặc GHN thì có thể tra cứu điểm gửi của mình ở đây: https://lexdop.github.io/

Còn bạn muốn xem tất cả các điểm nhận bao gồm cả Vnpost, Ministop, GHN,… thì theo link này: https://docs.google.com/spreadsheets/d/1nmz14M6iN0XC2e0kxHfOW6wUUuR8AnizbsPq9fnS3qs/

hành trình một đơn hàng lazada

Bước 7. Thanh toán và tài chính

Sau khi hàng được gửi đi rồi, thì bạn sẽ phải quan tâm đến vấn đề thanh toán cho các đơn hàng đã phát thành công. Hiện tại, Lazada thanh toán cho các nhà bán hàng các đơn thành công trong khoảng thời gian từ thứ 6 đến thứ 2 hằng tuần.

Tuy nhiên, để được thanh toán đúng hẹn, các bạn phải đảm bảo các thông tin mà bạn điền ở bước 2 phải chính xác. Đặc biệt phần thông tin tài khoản ngân hàng mà điền sai là rắc rối lắm đó. Việc giải quyết khiếu nại của Lazada cũng không nhanh lắm đâu nên có thể mất hàng tháng trời bạn mới có thể nhận được thanh toán nếu sai thông tin.

Về chi tiết số tiền thanh toán, các bạn xem ở mục Tài chính trong Seller Center. Tuy nhiên, các bạn cũng nên có các bảng thông kê riêng để đối chiếu phòng trường hợp sai sót xảy ra, gây ảnh hưởng quyền lợi cho các bạn.

Chính sách dành cho nhà bán hàng chung

Đây là phần các bạn cũng cần lưu ý để tránh vi phạm các quy định dành cho nhà bán hàng của Lazada. Còn nếu vi phạm thì các bạn cũng sẽ biết chế tài xử lý là như thế nào.

Các form biểu mẫu liên hệ Lazada

Ở đâu cũng vậy thôi, trong quá trình làm việc, hợp tác các vấn đề phát sinh là thứ không thể tránh khỏi. Bán hàng trên Lazada cũng vậy. Chẳng hạn như bạn bán hàng cả tháng chẳng thấy tiền về không biết liên hệ đâu, tổng đài thì bận suốt. Tài khoản ngân hàng của bạn sai. Bạn muốn thay đổi địa chỉ gian hàng… Rất, rất nhiều vấn đề không tên, và dễ gây ức chế. Khi ấy bạn sẽ giải quyết như thế nào.

Phần này sẽ giúp bạn có phương án giải quyết cho các trường hợp đó qua các form mẫu do chính Lazada cung cấp. Đây là phần quan trọng các bạn không nên bỏ qua nhất trong toàn bộ bài viết. Các phần trước các bạn có thể làm và sẽ trở nên quen thuộc theo thời gian. Nhưng phần này thì khó có thể nhớ được lắm. Các bạn có thể lưu lại bài viết này ở đâu đó, để có thể biết cách liên hệ với Lazada khi cần.

  • Mẫu yêu cầu đăng tải sản phẩm từ website

Nếu bạn có một website với rất nhiều sản phẩm mà bạn không có nhiều thời gian để đăng tải. Bạn có thể nhờ Lazada giúp bạn. Bạn điền vào form theo mẫu kia và rất nhanh thôi, toàn bộ sản phẩm của bạn sẽ lên sàn.

  • Mẫu xác nhận đơn hàng

Mẫu này thường dùng trong trường hợp shop hay khách hàng thông báo cho shop muốn hủy đơn hàng. Trong trường hợp khách muốn hủy đơn, tốt nhất bạn nên hướng dẫn khách hàng tự hủy. Còn khách không biết hủy thì bạn có thể gửi yêu cầu PSC qua form để xác nhận hủy đơn.

  • Biên bản bồi thường hàng hóa hư hại

Trong trường hợp đổi trả hàng hóa mà bạn thấy hàng mình nhận lại bị hư hại bạn dùng mẫu này.

  • Mẫu thay đổi địa chỉ nhận trả hàng

Đây là mẫu dùng cho nhu cầu thay đổi địa chỉ giao và trả hàng.

  • Mẫu thay đổi phương thức vận chuyển

Nhà bán hàng sẽ được Lazada lựa chọn một phương thức vận chuyển mặc định khi đăng ký gian hàng. Tuy nhiên, bạn cũng có thể thay đổi đơn vị vận chuyển bằng cách điền vào form này. Sẽ mất khoảng 4-5 ngày hành chính cho Lazada tiếp nhận và giải quyết yêu cầu.

  • Mẫu chung về yêu cầu kiểm duyệt sản phẩm

Mẫu nhà bán hàng cần bộ phận kiểm duyệt nội dung hỗ trợ như lý do sản phẩm từ chối duyệt, yêu cầu duyệt quá 24 tiếng, gộp sản phẩm, sản phẩm không thể hiện trên website dùng đã được duyệt, hệ thống báo lỗi khi đăng sản phẩm, xác nhận giá bán mới khi thay đổi hơn 80% giá cũ, yêu cầu tạo Multisource sản phẩm…

  • Biên bản cập nhật thông tin tài khoản ngân hàng

Đa phần tình trạng chậm thanh toán của Lazada cho nhà bán hàng đến từ các lỗi sai trong tài khoản của người bán. Thường thì Lazada sẽ không chủ động báo lại cho bạn về tình trạng này đâu, nên nếu thấy mãi không nhận được tiền thì bạn nên tự rà soát. Và nếu thấy sai sót xảy ra thì liên hệ theo biểu mẫu bên trên.

  • Hỗ trợ về tài chính/thanh toán

Trong trường hợp các vấn đề liên quan đến tài chính thanh toán phát sinh như chưa nhận thanh toán, thanh toán sai, bị trừ phí bất hợp lý… bạn có thể liên hệ với bộ phận kế toán tài chính của Lazada qua form này.

Kết luận

Ok, vậy là tất tật những gì mình biết và có thể chia sẻ với các bạn về bán hàng trên Lazada. Vì muốn có một lượng thông tin đầy đủ và trọn vẹn nhất nên bài viết hơi dài. Hi vọng những nội dung mình cung cấp sẽ hữu ích cho các bạn. Chúc các bạn có thể kinh doanh phát đạt trên Lazada nhé.

Hẹn gặp lại các bạn ở bài viết về cách thức bán hàng trên Sendo, Shopee và Tiki nhé. Mình phải vào kiểm tra gian hàng cái đã.

xahara
Để lại ý kiến của bạn về bài viết nhé

Leave a reply

Xahara.vn
Logo